Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp được xem là một tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam thế kỷ XVII. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm này là sự hội tụ đầy đủ các giá trị về truyền thuyết cũng như tạo hình. Các công trình nghiên cứu về pho tượng này đa phần xem xét tượng khá cảm tính về nghệ thuật bố cục, đường nét và chạm khắc.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một cách tiếp cận khác, từ việc so sánh giữa các tác phẩm điêu khắc Quan Âm cũng rất nổi tiếng như tượng chùa Hội Hạ1, Đa Tốn2 và đặt chúng trong mối quan hệ với các chuẩn mực điêu khắc ở một số sách tạo tượng như “Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh” (Diên Quang), “Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh” (Phật Thuyết).


Diên Quang là một cuốn sách cổ về tạo tượng phổ biến trong các làng nghề điêu khắc truyền thống xa xưa. Mặc dầu ngày nay sách này không còn lưu giữ ở các làng nghề, nhưng các công thức của sách đã được các nghệ nhân truyền đời bằng các câu thành ngữ về tạo tượng [1, tr 385]. Sách Phật Thuyết có niên đại thế kỷ XVIII. Về cơ bản công thức tạo tượng trong các cuốn sách này là như nhau, có một số chi tiết sai khác trong phân chia tỉ lệ. Tuy vậy, chúng có thể xem là chuẩn mực của các tượng Phật cổ xưa.

Tượng Quan Âm chùa Bút Tháp vốn là một tác phẩm được tạo tác ở ngôi chùa vốn được xem là một trung tâm Phật giáo thời Lê – Trịnh. Việc xây dựng, trùng tu chùa Bút Tháp có qui mô như ngày nay gắn với tên tuổi của giới quí tộc trong triều đình Lê – Trịnh như Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên… Đây cũng là nơi bà Thái Hậu tu hành và là người đóng vai trò lớn trong việc hưng công ngôi chùa từ năm 1642 – 1672 [2, tr28-29]. Điều này đã khiến ngôi chùa mang tầm vóc khác hẳn với các ngôi chùa thế kỷ XVII khác. Kiến trúc và điêu khắc hoành tráng hơn và ít nhiều mang chất tố của thẩm mỹ cung đình. Theo dòng chữ khắc trên bệ tượng “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật, doanh tạo”“Nam Đông Giao Thọ nam Trương Tiên sinh phụng khắc” (ngày tốt, mùa thu, năm Bính Thân, người họ Trương, tước Giao Thọ, ở Nam Đông vâng lệnh trên khắc cúng vào chùa). Năm Bính Thân ở đây được hầu hết các nhà nghiên cứu xác định năm 1656 [1 ; 2 ; 3 ; 4]. Năm này cũng trùng khớp với giai đoạn chùa Bút Tháp được trùng tu kể trên.
Sở dĩ chúng tôi đặt ra việc so sánh lối thức tạo tác của pho tượng này với các tiêu chuẩn trong sách Diên Quang kể trên là có lý do. Chúng tôi cho rằng nếu pho tượng vinh dự ghi tên người tạo tác là một nghệ nhân họ Trương, thì ắt hẳn nhân vật này phải là bậc tay nghề cao trong dân gian. Về niên đại của sách Diên Quang trong nghiên cứu gần đây nhất chúng tôi đã xác định là cuốn sách được sao chép lại từ một văn bản đời Lý, dẫu rằng niên đại sao chép là năm Bảo Đại 1943 [3]. Theo nghiên cứu của PGS. Chu Quang Trứ, thì sách này đến thế kỷ XVIII vẫn được biết đến trong các làng nghề như Sơn Đồng, Bảo Hà… [1]. Vậy khi tạc tượng Quan Âm Bút Tháp ắt hẳn sách này đã được biết đến. Còn cuốn Phật Thuyết, chúng tôi sử dụng để tham chiếu thêm một số tỷ lệ khác của tượng để minh xác về nguyên lý tạo hình. Cuốn này là sách du nhập vào Việt Nam khá muộn, khoảng TK XVIII [3].
Về tổng thể, bố cục pho tượng chia làm 3 phần chính: tượng ngồi theo thế kiết già trên đài sen; bệ tượng dạng tứ giác và rồng đội đài sen; vành hào quang/tay nhỏ hình tròn được tạo thành một bộ phận rời ghép vào phía sau lưng. Chiều cao tổng thể của pho tượng là 370cm, vành hào quang rộng 224 cm cũng là bề rộng nhất của cả pho tượng. Ba phần này được gắn kết với nhau khá nhuần nhuyễn. Từ phần tượng, những nếp áo rủ xuống che khuất vài cánh sen tạo sự liên kết giữa tượng và bệ; vành hào quang được gắn với chân bệ tượng và cách lưng tượng khoảng 30cm tạo không gian trước sau cho bố cục và làm thành nền cảnh đồ sộ mà rực rỡ phía sau.
So với những tượng Quan Âm chùa Hội Hạ, chùa Đa Tốn, có lẽ vành hào quang là một trong những yếu tố cách tân quan trọng tạo nên thế vóc của pho tượng. Vành hào quang là một tấm gỗ lớn gồm những bàn tay nhỏ được gắn thành vào những vòng tròn đồng tâm mang ý nghĩa kép. Trong lòng mỗi bàn tay có những con mắt vừa tượng trưng cho ánh sáng hào quang của đạo Phật vừa tiệm cận đến con số thực trong tâm thức dân gian về hình tượng 1000 tay, 1000 mắt, oai lực vô biên của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Về mặt tạo hình, vành hào quang tạo rời này đã thay thế hoàn toàn sự nặng nề của những lớp tay hình rẻ quạt gắn liền với thân tượng chùa Đa Tốn hay Nam Dư Thượng. Điều này cũng khiến cho thân tượng không bị dày lên bởi cùng lúc phải ghép vành tay và 42 tay lớn tỏa đều sang hai bên, nên thanh thóat. Mặt khác do không còn phụ thuộc vào độ dày mỏng của thân tượng, nên các tay ghép phía đằng sau pho tượng không còn bị hạn chế nữa, mặc dầu con số 1000 tay vẫn được xem là con số phiếm chỉ3.

hiện vật Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Có thể nói với yếu tố cách tân này ở pho tượng Quan Âm Bút Tháp là một nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho việc thực hành các chuẩn mực cổ điển theo kinh sách. Nghiên cứu về tỷ lệ của tác phẩm, so sánh với các chuẩn mực tạo tác trong “Diên Quang Tam muội tạo tượng lượng đạc kinh” tượng Bút Tháp có chiều cao thân tượng là 4 diện, trong khi đó tượng Hội Hạ là 3,5 diện, tượng Đa Tốn là 4,2 diện. Ngang vai của tượng Bút Tháp là 2 diện, tượng Hội Hạ là 2,5 diện, tượng Đa Tốn là 2,5 diện. Bề rộng của hai đầu gối là 4 diện, tượng Hội Hạ là 4,2 diện, tượng Đa Tốn là 3,7 diện. Ngoài ra, hai pho tượng chùa Hội Hạ và chùa Đa Tốn với lối tạo hình ống tay áo hình cánh cung – đặc trưng cho phong cách tượng Quan Âm thế kỷ XVI, đã phần nào hạn chế tầm nhìn, khiến tượng bị khuôn vào khối vuông chiếm 2/3 chiều cao của tỷ lệ thân. Trong khi đó, ở tượng Bút Tháp ống tay áo này đã được lược bỏ, nhường chỗ cho tạo hình bờ cong của vai thuôn xuống khủy tay, khiến tượng trở nên thanh thoát, nhẹ nhõm.
Nhìn vào bảng so sánh các kích thước cơ bản cho tạo hình thân tượng thì thấy rằng, tượng Quan Âm chùa Bút Tháp có tỉ lệ gần nhất với qui cách tạo tác tượng Phật/ Bồ Tát ở sách Diên Quang. Tượng Đa Tốn có phần cao nhưng lòng đùi lại hẹp, còn tượng Hội Hạ thấp hơn lại có phần bè ngang. Về bề dày của thân tượng thì tượng Đa Tốn chiếm 2 diện còn tượng Bút Tháp và Hội Hạ chiếm 1,5 diện do không có những nan rẻ quạt ghép đều phía sau các tay lớn như ở tượng Đa Tốn.
Ở sách Phật Thuyết, trong phần tục bổ về cách thức tạo tượng Bồ Tát có ghi thêm một tỷ lệ khá quan trọng đối với các tượng nhiều tay là chiều cao của tượng bằng với chiều ngang của thế tay vươn ra hai bên và bằng 10 diện [4]. Xét về tỷ lệ này, thì tượng Hội Hạ bề vươn của tay so với chiều cao thân tượng lớn hơn sấp xỉ 1 diện, tượng Đa Tốn là 1/2 diện, còn tượng chùa Bút Tháp là 1/3 diện. Tỷ lệ này ở các pho tượng du di từ 5-6 diện, chứ không được 10 diện như sách này chép. Tuy vậy việc hai tỉ lệ ngang và cao bằng nhau cũng có nghĩa là tỉ lệ để đạt đến sự cân bằng trong nghệ thuật thị giác. Điều này cũng được xác nhận trong việc nghiên cứu tỷ lệ vàng của Phương Tây từ TK XIV ở các nghiên cứu của Leonard de Vinci. Tỷ lệ đó được biểu thị bằng hình người đứng trong khung hình vuông và hình tròn.
Nếu quan sát bằng con mắt thông thường, đường kính của vành tay tượng Bút Tháp gần như cao đúng bằng chiều cao của pho tượng tính từ đỉnh tượng nơi có hình Adiđà ngự. Pho tượng cho dù có các tầng đầu khá cao, và độ rộng của tay khá lớn, nhưng lại nằm lọt trong vành tay, do đó, cái cảm giác tượng bị thu bé lại để trở nên thanh thóat. Đặc biệt là tầng đầu cao chừng ~ 3 diện tạo nên một sự đối xứng qua tâm là đầu tượng với chiều cao của thân tượng ~ 3 diện (không tính đầu tượng = 1 diện). Điều này đã khiến cho người ta có thể cảm nhận được sự cân bằng ngay khi tiếp xúc với pho tượng, khác hẳn với pho tượng Hội Hạ hay Đa Tốn, không có các tầng đầu. Thêm vào đó tính chất cân bằng đó cũng tạo nên sự tĩnh tại cho pho tượng.
Tượng Quan Âm chùa Bút Tháp cũng như hai pho tượng trên, ngoài đôi tay đặt trong lòng kết ấn thiền định và đôi kết Liên Hoa Hợp Chưởng ấn trước ngực, 19 đôi tay khác tỏa đều sang hai bên. 42 tay này tượng trưng cho cả Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân. Trở lại với lối tạo hình bờ cong cho đôi tay kết ấn Tam Muội ở lòng đùi, đôi tay này như tạo nên sự thống nhất với các đôi tay khác cho cảm giác tượng mảnh mai hơn. Thế kết ấn Tam Muội cũng được nhìn thấy rõ ràng hơn, rồi nút áo thắt trước bụng trở thành một điểm nhấn cho thế ngồi tọa thiền Bán kiết già.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, người ta còn nhìn thấy tính chất lý tưởng hóa trong tạo hình chân dung của pho tượng này. Nếu tượng Hội Hạ, Đa Tốn, khuông mặt ít nhiều mang đậm nét hình tượng bà mẹ Việt thuần nông, thì pho tượng này cân phân đầy đặn như được tạo ra từ mẫu số chung của một gương mặt ít tính cách. Tính chất cân đối, thon nhỏ của gương mặt còn được hỗ trợ bởi hai khuôn mặt khác áp ngay sau tai. Hai khuôn mặt phụ này dường như được tạc đúng như các minh họa trong kinh sách. Cái khéo léo của nghệ nhân là họ đã thu bớt độ dày và độ dài của tai, nụ sen đeo ở thùy tai, làm thành điểm tựa cho chiếc cằm của hai khuôn mặt được nhìn nghiêng theo thế dáng 2/3 góc nhìn từ phía trước. Những lọn tóc gọn gàng được tạc ăn lân từ khuôn mặt chính sang khuôn mặt phụ một cách tự nhiên mà vẫn khuôn lại theo độ cong của khuôn đầu. T.T.H
Chiếc mũ phía trên, do những thay đổi này nên không thể tạo vành hay dạng trâm cài, tóc búi nữa. Để hợp lý, người ta tạc một hình trụ với những chi tiết rườm rà, mây, mây lửa. Các bông sen được tạo bong ra ngoài kiểu một chiếc vương miện đẫm chất cung đình vương phủ. Khi sơn thếp, chi tiết trang trí này bị lẫn vào nhau nên không khúc triết như chiếc mũ của tượng Hội Hạ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chi tiết rườm rà của mũ được tạo thêm vào giai đoạn sau khi pho tượng được trùng tu.
Phần bệ rồng đội đài sen ở tượng Bút Tháp cũng có những cách tân đáng kể trên cả phương diện kỹ thuật, phong cách nghệ thuật và ý nghĩa hình tượng. Bệ lục giác ở các tượng Hội Hạ, Đa Tốn đã được thay bằng bệ bát giác, mà thực chất là tứ giác vát bốn góc. Do vậy nên ý nghĩa về Lục Đạo luân hồi có thể ở đây đã được thay thế bằng quan niệm về tứ phương trời đất. Điều này có vẻ như thích hợp với một ngôi chùa Hoàng tộc và hình tượng rồng đội tòa sen với ẩn ý về sự nương nhờ bóng Phật của một vương triều. Sở dĩ như vậy là vì hình tượng rồng sau TK XV thời Lê Sơ là biểu tượng của vương quyền. Do đó kể cả truyền thuyết về Long Vương Ô Ba Na Đà [5], nhưng pho tượng này được dựng trong ngôi chùa Hoàng tộc, nên nếu không hàm nghĩa trên pho tượng hoàn toàn có thể tạo tác dạng đầu quỉ như tượng Hội Hạ. Con rồng ở đây có nghĩa như ông vua ở trung tâm cai trị tứ phương trời đất. Biểu tượng này được nhìn thấy rõ rệt ở con số móng của rồng được xòe ra đỡ lấy đài sen. Xét bối cảnh thời bấy giờ, sự loạn lạc và những thế lực chính trị cát cứ khiến Phật giáo trở thành cứu cánh cho niềm tin nói chung trong xã hội của mọi tầng lớp.
Như vậy, xét một cách tổng thể, pho tượng Quan Âm chùa Bút Tháp, dường như đã tuân thủ và tiếp thu kinh sách để tạo nên một chuẩn mực khác với những pho tượng trước đó. Sự cách tân trong tạo hình của pho tượng ở đây không phải là để tìm ra những phá cách, mà suy cho cùng là để tạo hình đạt đến độ hoàn thiện và cân bằng trong tỷ lệ. Điều mà ở các giai đoạn sau tiếp tục kế nối và phát triển.
T.T.H
( Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 11/2013)
Tài liệu tham khảo:
- Chu Quang Trứ (2000), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb. Mỹ thuật
- Bùi Văn Tiến (2000), Chùa Bút Tháp, Nxb. KHXH
- Trang Thanh Hiền (2011), Sách cổ về nghệ thuật tạo tác tượng Phật Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 326
- Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Duy Hinh (2004) Bồ Tát Quán Thế Âm ở đồng bằng sông Hồng, Nxb. KHXH.
- Trần Lâm Biền (1993), Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt, Nxb. Mỹ thuật
- Phạm Thị Chỉnh (2008), Lịch sử mỹ thuật thế giới, Nxb Đại học sư phạm